Nhạc Thiền cho 1 buổi sáng yên lành

(Công phu trà đạo) Nhạc thiền, hay còn gọi là “Mediatation music”, là thể loại nhạc đặc biệt không chỉ nhằm mục đích relax mà hướng tới tính thiền định rất cao. Trong đó chủ yếu sử dụng các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, sáo, đàn đá, khánh ngọc… kèm theo những nhạc cụ thính phòng như piano và violon. Đôi lúc còn có những âm thanh đặc biệt như tiếng suối chảy, tiếng chim hót, tiếng gió hiu hiu hoặc tiếng Phạn, tiếng niệm Phật…

Mỗi bản nhạc thiền có thời lượng khác nhau, đôi khi chỉ 1 – 2 phút, lại có lúc kéo dài tới 15 – 20 phút thậm chí 1 – 2 tiếng đồng hồ cũng không có gì lạ. Giai điệu chủ đạo là nhẹ nhàng, giúp tĩnh tâm và chìm sâu vào không gian thiền đạo. Người ta thường dùng nhạc thiền trong yoga, thiền định, relax… Tôi thì dùng nhiều nhất khi uống trà và lúc đi ngủ. Những âm thanh du dương khiến mình thư thái và đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng. Đôi lúc nghe nhạc thiền vào buổi sáng sớm hoặc thời điểm căng thẳng cũng giúp bình tâm hơn rất nhiều.
 
Mời các bạn ghé qua website www.nhacthien.net để thưởng thức album nhạc thiền tổng hợp tại đây. Bạn cũng có thể download về máy và nghe offline khi cài phần mềm IDM, hoặc chọn bài hát >> click chuột phải >> chọn “Download this song”. Chúc các bạn relax và thảnh thơi.
Nguyễn Quốc Chiến,
Thắp lên ngọn lửa từ mỗi trái tim

0 nhận xét:

Trà, Thiền và triết lý nhân sinh của Phật giáo

(Trangon.net) Giữa mênh mang núi rừng, trên ngọn đồi thông, chỉ có một ấm trà, ta và chúng bạn đang luận bàn về những triết lý của đạo Phật. Thảng lại thấy tiếng chuông chùa ngân lên, như đưa Trà nhân vào cõi Thiền vô biên và bất tận…


Một buổi sáng cuối tuần, ta cùng đồng đạo rủ nhau đi về chốn Thiền tông. Mong mỏi một ấm trà giữa chốn đại ngàn, để được hòa mình vào với thiên nhiên, để thấy tinh thần được ung dung và tự tại. Đây là rặng trúc, đây là đồi thông, đây là phù điêu điển tích và những bức tượng Phật ngọc. Khung cảnh này sao mà đẹp thế. Chỉ một bước chân là đã qua khỏi cuộc sống xô bồ, náo nhiệt.
Tìm được một chòi lá, nơi đây giống như giảng đường ngoài trời, với bàn, ghế dài rộng. Ta cùng bạn dừng chân, mang ra từng món đồ trà. Nào ấm, nào siêu, nào chén, nào khay. Nhen lên ngọn lửa hồng, nghe tiếng nước sôi lách tách mà khá lâu rồi chưa thực tĩnh tâm để cảm lại. Trà là thế. Những âm thanh hay nhất, những giai điệu đẹp nhất – chỉ phát ra rõ nhất khi trà nhân thật chú tâm. Nếu lòng còn xao động, môi trường vẫn ồn ào thì không thấu được đâu.
Lại thêm một người khách mới quen. Uống trà tùy duyên. Gặp nhau là có thể thành trà hữu. Những câu chuyện bắt đầu từ Trà, đến Thiền và Phật giáo. Trà bắt nguồn từ đâu? Vì sao Trà Trung Hoa lại đẹp và Trà Nhật Bản lại mang tính “đạo” sâu xắc như vậy? Người Việt Nam uống trà để hòa hợp. Trà khác với rượu. Người uống rượu khi nóng lên có thể đánh nhau. Người uống trà cãi nhau thì có, chứ chưa phải động đến chân tay bao giờ. Nhưng không phải vì vậy mà bạn ra sức cổ súy cho trà. Ngược lại, bạn cần linh hoạt. Có lúc phải uống trà, có khi nên dùng rượu. Mỗi thứ đều có cái hay riêng. Những vĩ nhân khi xưa chẳng phải vẫn tay trà, tay tửu đó sao?
Chuyện lại đi sang đạo Phật. Tiếng chuông chùa giúp người ta tỉnh ngộ. Thanh âm đó giữa thinh không tĩnh lặng lại càng vang, càng rền. Phật giáo có Nhân – Quả, có Tùy Duyên. Những triết lý của đạo Phật không cần giải thích, chỉ cần cảm nhận. Nó giúp con người sống trong sạch hơn, hòa nhã hơn. Uống trà cũng vậy, tâm tính được điều hòa tốt hơn, ngộ tính được nâng lên cao hơn và bản tính thì ngày càng hoàn thiện.
Thời gian cứ trôi. Trải qua mấy tiếng đồng hồ mà chuyện trò vẫn chưa dứt. Ta bỗng bật cười: “Mình lên đây làm gì? Chẳng phải để thưởng trà sao?!. Vậy thì anh em hãy dừng lại một lúc và… Uống trà đi!”. Thay ngọn lửa mới, rót ấm trà mới, nhắm mắt lại để hòa mình với không gian. Tự nhiên thấy mình lạc vào vùng trời khác. Sao mà lại tịch mịch, lại thênh thang đến thế?!. Y hệt hôm nào còn ngồi Thiền bên Trúc Lâm An Tâm vậy, cũng thật mênh mông, cũng thật tĩnh lặng. Để rồi sau đó là cảm giác bình yên khó tả.
Mở mắt ra, buông xả một hơi. Giờ đã đến lúc phải về. Hẹn gặp lại Trà hữu trong một buổi tao ngộ khác. Ta lại chuyện trò, lại đàm luận bên những ấm trà ngon và đồng đạo. Thế nào là Duyên? Duyên tức là không Cầu mà chỉ có thể Gặp. Uống trà cũng tùy duyên, vì vậy mới gọi là Trà Duyên.
Thiền viện Trúc Lâm, trong một ngày giữa Thu.
– Flame,

0 nhận xét:

Sự tinh tế trong thưởng trà của người Hà thành xưa

(Trangon.net) Mỗi cân trà, nghệ nhân Hà thành ướp cùng 1.000-1.200 bông sen vì thế người nước ngoài đã không ít lần xuýt xoa trước nghệ thuật ướp trà cầu kỳ, tinh tế của người Hà Nội.

Trong nghệ thuật ướp trà này, trà mạn hảo được ưa chuộng hơn cả. Nguyên liệu là trà Tuyết Shan cổ thụ vùng mạn ngược Hà Giang, mọc tự nhiên trên những dãy núi cao 800-1.300 m, quanh năm sương phủ. Các nghệ nhân trà Hà Nội trân trọng, nâng niu từng búp trà này như một báu vật. Họ chọn lựa những búp non, những lá trà bánh tẻ rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi phơi khô, họ cho trà vào chum (vại), trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ 3- 4 năm cho trà phong hoá bớt chất chát, có độ xốp như giấy bản mà vẫn lưu giữ được hương vị đặc trưng.
Khi ướp, người ta rải một lớp trà rồi một lớp gạo sen mỏng, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen. Cứ thế cho đến khi hết trà. Sau cùng, phủ một lớp giấy bản. Thời gian ướp tuỳ thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18-24 giờ. Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen. Sàng loại xong, trà được đóng vào những chiếc túi làm bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà, rồi sấy cho đến khi cánh trà khô, hương sen quyện thì bỏ ra. Lại ướp một lần sen thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, thứ năm tuỳ thuộc vào sở thích của người thưởng trà đậm hay nhạt. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm. Trung bình, mỗi cân trà  ướp cần từ 1.000-1.200 bông sen. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, mỗi 1 kg trà sen thời xưa được đổi bằng 2-3 chỉ vàng mà người sành trà vẫn nao nức lùng mua bằng được.
Với người Hà Nội, uống trà là một thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải để vào đó nhiều công phu. Những công phu đó, dần trở thành lễ nghi. Trong ấm trà ngon, người ta thấy phảng phất một mùi thơ và một vị triết lý. Các chân trà nhân từ xưa rất chú ý đến nghệ thuật thưởng trà với nhiều loại trà cụ (dụng cụ pha trà) cần thiết để làm sao cho người uống cũng có thể cảm nhận và thể nghiệm giống như các thiền sư. Dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm đất nung nhỏ, được gọi là “Ngọc diệp hồi cung”.
Để có được chén trà ngon thì bình trà và tách uống trà phải được làm nóng lên bằng nước sôi. Trà cụ dùng để xúc trà, lấy bã trà đều bằng tre khô hoặc gỗ thơm. Khi châm nước lần một gọi là “cao sơn trường thuỷ” rồi chắt ngay ra. Đây là thao tác tráng trà nhằm loại hết bụi bẩn và cho trà khô kịp thấm không nổi lềnh bềnh. Lần thứ hai đổ nước vào ấm gọi là “hạ sơn nhập thuỷ” nên đổ nước cao, tràn miệng bình để khi đậy nắp lại, bụi trà tràn ra hết, rồi dội nước sôi lên nắp để giữ nhiệt độ cao nhất cho ấm trà. Nước hai chính là nước ngon nhất được tạo ra trong vòng 1-2 phút, có hương vị đượm đà, thơm tho quyến rũ. Khi rót trà phải chuyên đều các chén sao cho nồng độ trà như nhau bằng cách kê khít miệng chén lại và đưa vòi ấm quay vòng. (Cách phổ biến trong truyền thống là rót ra chén tống (chén hạt mít) rồi chia đều ra các “chén quân”. Cách này ngày nay ít dùng vì phần làm nguội trà, phần hương trà phôi pha.
Dâng chén trà theo đúng cách là ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón chỏ và cái đỡ miệng chén gọi là “Tam long giá ngọc”. Người dâng trà và người nhận đều phải cung kính cúi đầu. Trước khi uống, đưa chén trà sang tay trái, mắt nhìn theo, sau đó đưa sang phải “du sơn lâm thuỷ”. Khi uống, cầm chén trà quay lòng bàn tay vào trong, dâng chén trà lên sát mũi để thưởng thức hương trà trước, sau đó tay che miệng nháp nháp từng ngụm nhỏ nhẹ. Tay áo các quan lại phong kiến thường rất rộng cũng một phần vì lẽ dùngche miệng khi uống trà là vậy. Che miệng khi ăn, uống, cười trong chèo, tuồng, trong đời sống người Việt xưa chính là một hành vi văn hoá. Người uống cũng phải chậm rãi mím miệng nuốt khẽ cho hương trà thoát ra đằng mũi và đồng thời đọng trong cổ họng, nuốt tý nước bọt lần một, lần hai, lần ba để cảm nhận.
Ngoài cách uống trà trong gia đình, người Hà Nội xưa còn có các hình thức Hội trà, uống trà thưởng hoa đầu năm, uống trà thưởng hoa quý và uống trà ngũ hương. Trong đó, hội trà là hình thức tụ họp cùng thưởng trà khi có trà ngon hay dịp đặc biệt của các cụ. Thưởng trà đầu xuân là thói quen của riêng các bậc tao nhân chốn kinh thành xưa. Thường thì trước Tết, đích thân các cụ đi chọn mua hoa đào, cúc, mai trắng, thuỷ tiên ở tận vườn, chuẩn bị loại trà ngon nhất. Sáng mùng một, con cháu dành riêng cho cụ những giây phút đầu tiên để tịnh tâm và ngắm hoa, thưởng trà, sau đó mới là cả đại gia đình cùng ngồi quanh bàn trà chúc thọ cụ và nghe lời dặn dò.
Uống trà thưởng hoa quý như hoa quỳnh, hoa trà cũng là cái thú của nhiều người Tràng An. Đó cũng là hình thức hội trà quanh chậu hoa quý vào tối hoa mãn khai của những người cao tuổi, đàm đạo thế sự, văn chương và dặn dò lớp con cháu.
Trà ngũ hương chỉ giới hạn cho 5 người. Khay uống trà ngũ hương phải thửa 5 chỗ trũng để 5 loại hoa đang độ đượm hương nhất: cúc, sói, nhài, sen, ngâu và úp các chén kín hoa, bưng khay để lên nồi nước sôi cho hương hoa bám vào lòng chén. Pha trà mạn ngon và rót đều vào từng chén, mỗi người tham gia sẽ phải đoán hương trà trong chén của mình và cùng nhận xét. Sau mỗi chén trà, người chủ trà lại hoán vị hương để ai cũng được thưởng thức hết cái tinh tuý của hội trà ngũ hương.
(ST)

0 nhận xét:

Cho giấc ngủ yên (Music)

(Trangon.net) - Công việc và cuộc sống bận rộn có khiến bạn mệt mỏi và mất ngủ hằng đêm không? Đây là một album với những bản nhạc không lời tuyệt hay, giúp bạn nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ sâu... Thậm chí, ngay cả khi việc ngủ chưa dễ dàng ngay, thì việc lắng nghe trọn vẹn album này cũng là một điều tuyệt vời.


Nguồn: VN2dayMusic

0 nhận xét:

Giai điệu của nước (Relax)

(Trangon.net) - Đây là bản nhạc piano được kết hợp với âm thanh của nước nhiều sắc thái, lúc dịu dòng lúc lại rào rạt liên tục khiến người nghe có cảm giác mình đang sống giữa thiên nhiên: thư thái, cân bằng, xóa stress ... dùng cho: làm việc, nghiên cứu, lập kế hoạch, học tập, chữa bệnh, spa, điều trị stress, massage, yoga, thiền định ... Hãy lắng nghe bản nhạc ở bất cứ đâu bạn muốn thư giãn, nó luôn hiệu quả. Riêng về phần mình tôi đặc biệt thích giai điệu và cảm giác bản nhạc này mang lại: thư giãn và thoải mái, luôn có thể tưởng tượng mình đang làm việc bên một bờ suối, giữa thiên nhiên của một cánh rừng nhiệt đới. Chúc các bạn cũng như tôi... thật thư giãn.


Nguồn: Nhạc Thư giãn

0 nhận xét:

Hoa Sen nước chảy (Zen)

(Trangon.net) - Những bản nhạc hay luôn giúp người uống Trà thêm tĩnh tâm và thư thái. Trà ngon xin giới thiệu với các bạn yêu Trà bản hòa tấu Hoa Sen nước chảy dài hơn 40 phút. Với bản nhạc này các bạn sẽ thấy tâm lắng lại, bình thản và an nhiên trước cuộc sống bộn bề, vội vã...


Nguồn: Nghệ thuật sống Thiền

0 nhận xét:

Công phu Trà Đạo – Quyển 3 – Trà Nhật Bản

Trà đạo là một nghệ thuật, đòi hỏi không ít công phu.
– Flame,

——————


Xem bản pdf tại đây

---------
Quyển 1: Trà Trung Hoa
Quyển 2: Trà Việt Nam

0 nhận xét:

Công phu Trà Đạo – Quyển 2 – Trà Việt Nam

Trà đạo là một nghệ thuật, đòi hỏi không ít công phu.
– Flame,

——————

Chương 1: Phân loại Trà


Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa khá nhiều và trà đạo cũng không phải là ngoại lệ. Sau nhiều năm lịch sử người Việt không chỉ chọn lọc, tiếp thu mà còn cải tiến nó cho phù hợp với đời sống, quan niệm của dân tộc mình. Giống như chữ Hán Việt – hòa trộn cả phần Hán học và Việt học, thì trà đạo Việt Nam cũng chứa đựng cả cái công phu khi thưởng trà Tàu và cả cái bình dân, đời thường của trà Việt.
1. Tên chung:

Về cơ bản, trà Việt chia thành hai loại chính: Trà xanh và Trà mạn. Ngoài ra còn có một loại đặc biệt khác là Trà Cung đình.

– Trà xanh, tức là lá trà tươi được hái từ trên cây xuống, rửa sạch, lau hoặc phơi khô nước rồi buộc thành từng nắm (bó, mớ) trà. Khi uống lấy ra, vò hơi nát, pha vào ấm tích (loại ấm to, dùng để pha trà xanh). Một ấm tích trà xanh có thể để hãm và uống trong cả ngày, nước trà màu vàng tươi, vị chát mà mát dịu, rất dễ uống và tốt cho sức khỏe. Trà xanh thường được ưa dùng nhiều hơn ở khu vực thôn quê.

– Trà mạn hay còn gọi là trà khô, trà móc câu, lá trà đã qua sao chế, tẩm ướp theo nguyên tắc, quy trình cẩn trọng… Loại trà này được dùng phổ biến nhất, trong mọi gia đình, mọi dịp lễ hay thậm chí là cuộc sống thường ngày. Vị và nước của trà mạn đều đậm hơn trà xanh nhiều, người không quen uống có thể thấy đắng chát, tỉnh táo đến mức khó ngủ. Nhưng khi uống quen rồi thì như một thứ nghiện, không uống không chịu được. Cái chát của trà, cái cay của rượu, cái mặn của muối, và khói thuốc, và bã trầu… tất cả làm nên nét văn hóa đặc trưng cổ truyền của dân tộc Việt.

– Trà Cung đình, là loại trà đặc biệt bắt nguồn từ Huế, tương truyền trước đây dùng để tiến vua, được xem như một trong những vị ẩm thực Nhất dạ đế vương trong hoàng cung. Truyền rằng hiện nay, những gia đình làm trà cung đình có tiếng ở Huế đều thuộc dòng dõi vua quan triều Nguyễn khi xưa.
Trà Cung đình

Loại trà này là hỗn hợp của lá chè cùng một số vị thuốc khác như du tử, cát căn, cam thảo, long nhãn, táo tàu… được bào chế theo một bí quyết riêng của chốn cung đình như: chọn giờ để sao vàng hạ thổ thảo dược đúng với luật Âm – Dương… Trà Cung đình khi uống có vị ngọt, thơm của lá thuốc, có thể thêm nước nhiều lần mà mùi vị vẫn còn rất tốt.

2. Tiểu nhóm:

Tiểu nhóm là một cách chia nhỏ hơn đối với Trà mạn. Có ba loại chính là: Trà Shan Tuyết, Trà đồi (vườn) và Trà ướp hương.

– Trà Shan Tuyết (*): Đó là những cây trà cổ thụ cao từ 2m đến 6m, mọc hoang dại trên núi cao. Khi hái trà, người ta phải bắc thang mới hái được. Trà Shan Tuyết phân bổ ở ba vùng. Nhiều nhất là ở tỉnh Hà Giang gồm: Nậm Ty, Lũng Phìn, Đồng Văn, Phìn Hồ và Tà Phìn. Vùng thứ hai là Mộc Châu (Sơn La) và vùng thứ ba là Suối Giàng (Yên Bái). Riêng ở Suối Giàng hiện nay có một cánh rừng trà cổ thụ khoảng 40.000 cây, trong đó có ba cây trà chiều cao 8m, đường kính ba người ôm không xuể.

Trà Shan Tuyết có hai đặc điểm:

Thứ nhất, đây là những cây trà mọc hoang dại nên không bao giờ người ta bón thuốc trừ sâu và phân hóa học. Chính vì thế, Shan Tuyết là một loại trà tinh sạch hoàn toàn.

Thứ hai, những cây trà này chỉ mọc trên núi cao, từ 800m đến 1.300m so với mặt biển. Sương phủ quanh năm trên núi đã tạo cho búp trà màu tuyết trắng. Người ta gọi trà Shan Tuyết là vì vậy. Shan là chệch của chữ “sơn”, tức là núi.

– Trà đồi (**): Nhắc đến trà (chè), người không cần tìm hiểu sâu lắm cũng có thể buột miệng nói ngay là – chè Thái Nguyên. Đây chính là loại chè bình dân, được dùng phổ biến nhất hiện nay.
 Chè Thái Nguyên

Thái Nguyên, đặc biệt là khu vực Tân Cương, Đại Từ có những đồi, nương chè rộng bát ngát, hương thơm tự nhiên, có vị chát nhẹ khi mới uống nhưng sau khi uống xong thì thấy ngọt lắng sâu trong vị giác, màu nước xanh. Trà Thái Nguyên ngon là do: “Vùng chè có tiểu khí hậu nhờ dãy núi Tam Đảo, Thằn Lằn chắn bớt cái nắng gắt mùa hè, đồng thời nguồn nước của Sông Công và hồ Núi Cốc ngấm qua các mạch ngầm đã tưới mát cho những vườn chè xanh tốt quanh năm”…

Ngoài Thái Nguyên còn những đồi (cao nguyên) trà nổi tiếng khác như: Cao Bằng (trà đắng), Tuyên Quang, Phú Thọ, Bảo Lộc (Ô long), Đà Lạt…

– Trà ướp hương: Nguyên liệu để làm nên loại trà này là trà mạn được lấy từ những vùng trồng trà đồi nổi tiếng kể trên và các loại hoa có hương thơm như sen, nhài, ngâu, sói, cúc, sứ, bưởi…

Trong các loại trà ướp hương thì Trà Sen được coi là cầu kỳ nhất, đặc biệt nhất. Một kg trà phải ướp với 1,4 kg nhụy sen (thường gọi là gạo sen) được tãi từ khoảng 1.400 bông sen. Sen mới hái về phải đem ướp ngay, để lâu sẽ kém thơm. Trà được đựng trong liễn sành đậy kín vung, cứ một lớp trà dày bằng bàn tay thì ở dưới rải một lớp gạo sen mỏng hơn lên trên, ướp trong hai ngày rồi lấy ra sấy đủ một ngày. Hỗn hợp trà – sen được sấy trong một ngày rồi mang ra sàng, bỏ hết gạo sen cũ và lại cho gạo sen mới vào, tiếp tục ướp cho gạo sen dần dần ngấm sâu vào trong búp chè. Một mẻ trà phải ướp và sấy 8 lần như vậy…

Trà hương nhờ đó có thể uống được nhiều nước mà hương vẫn thơm, màu vẫn đậm, đem lại cảm giác khoan khoái, bình an trong tâm hồn người thưởng trà.

——————-

Chương 2: Trà cụ

Trà đạo Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với trà đạo Trung Hoa. Chương này, quyển này, chỉ đề cập đến một số nét khác biệt của riêng trà cụ Việt Nam.
– Ấm:

Nếu như người Trung Hoa thích dùng ấm đất nung (ấm tử sa) trong trà đạo, thì người Việt Nam lại có thói quen dùng các loại ấm gốm tráng men để thưởng trà. Trong đó phải kể đến loại men rạn, do những nghệ nhân Bát Tràng làm nên là nổi tiếng nhất. Ấm men rạn làm khéo, nhìn rất rõ những đường nét gẫy, đứt đoạn, nhưng lại gây cảm giác như được chạm khắc chìm vào thân ấm. Nước men bóng, mượt, sờ vào thấy mát và êm tay. Ấm men rạn dùng để uống trà khô, trà móc câu là ngon nhất. Ngoài men rạn, ấm Bát Tràng còn sử dụng các loại men khác như: men thô, men chảy, men trơn và men lam.

Đối với trà tươi (trà xanh), cần sử dụng những chiếc ấm to hơn, gọi là ấm tích. Lại thêm một cái giỏ (giành) bằng mây, tre đan bên ngoài, ở giữa bọc bởi vải và xốp, nên có thể giữ nóng được cả ngày.
Ấm tích

Người Việt xưa, thích dùng kiểu ấm có quai lắp vuông góc so với vòi và thân ấm. Loại ấm này cầm chắc tay, rót nước đều hơn. Người ta cũng thường buộc một đoạn dây ngắn giữa nắp ấm và quai ấm để giữ cho nắp không bị tuột, rơi ra mỗi khi rót hoặc rửa, tráng ấm. Ngày nay, với sự sáng tạo và giao lưu văn hóa, có rất nhiều mẫu ấm với kiểu dáng, màu sắc, dung tích… đa dạng, phù hợp với các mục đích khác nhau.

– Chén:
 Bộ chén “Nhất tống, tứ quân” cổ

Người Việt Nam cũng dùng chén tống, chén quân như người Trung Hoa. Chén quân thì nhỏ như chén hạt mít, chén tống thì to, hợp với uống trà xanh. Phổ biến nhất là các loại chén tráng men rạn, màu da lươn, màu trắng, hoặc chén đất nung màu đỏ đất. Tùy theo cách uống trà hương, trà móc câu hay trà xanh mà dùng loại chén phù hợp.

– Khay và đĩa:
Khay tre

Khay dùng trong trà Việt thường chỉ có một lớp, chất liệu chủ yếu là tre hoặc gỗ. Vì chỉ có một lớp, lại không đặt nặng vấn đề thoát nước, nên kiểu dáng, mẫu mã rất đa dạng. Có khi chỉ là một đoạn cây nguyên khúc được đẽo gọt theo hình hài nhất định, có khi là nhiều mảnh tre vót phẳng ghép vào nhau. Riêng đối với trà ngũ hương, lại cần loại khay đặc biệt, thửa năm chỗ trũng vừa với miệng chén, để hoa trong đó, úp chén lên và bắc lên bếp đun, cho hương quyện vào lòng chén theo hơi nóng. Bình dân, ít điều kiện thì dùng khay nhôm, sắt hay nhựa cũng rất tiện.

Đĩa kê ấm, chén là vật dụng không thể thiếu khi dùng trà Việt. Hiếm có bộ ấm chén nào lại ko có đĩa đi kèm, số lượng thường là sáu cho chén và một cho ấm. Đĩa kê phổ biến cũng là loại gốm tráng men, đồng mầu, đồng kiểu với ấm chén trong bộ.

– Hộp đựng trà:

Là quốc gia chuộng đồ sành sứ, ngay cả hộp đựng trà người Việt Nam cũng thích sử dụng chất liệu đất nung tráng men là chính. Ngoài ra, còn có những hộp đựng làm bằng giấy bồi hoặc bằng gỗ, cứng cáp và khá kín, giữ được trà trong thời gian lâu mà không bị ẩm, mốc. Hộp nếu làm bằng sắt, nhôm, thiếc thì phải có vải, hoặc giấy dầu lót trong để bảo vệ trà không tiếp xúc trực tiếp với kim loại, làm hỏng trà.

– Những đồ dùng khác:
Bộ đồ trà cổ

Văn hóa trà Việt hướng tới sự bình dân, xuất thân từ những người nông dân mộc mạc. Khi uống trà, người ta dùng kèm với trầu, cau, thuốc lá, thuốc lào, bánh đậu xanh, kẹo lạc… nên những dụng cụ như ống nhổ, điếu cày, cơi trầu là hình ảnh thường thấy bên bất cứ bàn trà nào, đặc biệt là khu vực thôn quê dân dã.

——————-

Chương 3: Pha chế và thưởng trà

Trà Việt hướng tới sự bình dân, sự hòa hợp giữa con người với nhau. Nhưng không vì thế mà trở nên sơ sài, đơn giản. Ngược lại, với cái công phu, tỉ mỉ vốn có trong tính cách con người Việt Nam được diễn đạt bởi những âm tiết, thành ngữ Hán Việt càng làm cho trà Việt mang một vẻ đẹp tinh tế, cuốn hút rất riêng.

– Trà đạo dựa trên ngũ hành:
Ngũ hành trong trà đạo

Không chỉ là hòa hợp về tinh thần giữa người với người, mà còn là giữa con người và thiên nhiên. Dùng ngũ hành để đem lại sự cân bằng giữa các yếu tố trong và ngoài cơ thể. Một bộ trà cụ mà giới trà đạo Việt dùng cần có: siêu đồng dùng để đun nước nóng (Kim); kẹp gắp, muỗng xúc trà bằng tre, gỗ (Mộc); Nước nóng được giữ nhiệt tốt trong siêu hay phích (Thủy); Than được dùng để đun là than củi, than sạch không có khói, tỏa mùi thơm gỗ dễ chịu (Hỏa) và bộ ấm chén làm bằng đất nung hoặc có tráng men sứ (Thổ).

Bước đầu tiên là châm lửa trong lò, (trước đây dùng than củi, bây giờ thì còn có cả bếp từ, bếp gas, bếp điện). Khi nhiệt đã đủ nóng, ngọn lửa bốc lên mạnh mẽ rồi, người ta mới bắc lên bếp chiếc ấm đựng nước sạch để đun. Đun đến khi nước sủi tăm, những bong bóng nhỏ cứ nổi lên rồi lại thi nhau vỡ lốp bốp trong siêu, cùng với một làn khói mỏng, trắng len lỏi bay ra – ấy là lúc nước đã sôi đủ rồi đấy. Nhấc siêu lên, nhẹ tay tráng đều cả trong và ngoài bộ ấm chén cho ấm nóng.
Tráng ấm, chén

Dùng thìa xúc ít trà bỏ vào ấm gọi là Ngọc diệp hồi cung. Rót nước vào để làm ướt trà gọi là Cao sơn trường thủy. Ngâm trà trong ấm một lúc, khoảng 5 – 10 giây thì rót ra chén, nước trà đầu chỉ dùng để tráng chứ không uống luôn được.

Sau đó lại rót nước sôi vào ấm lần thứ hai, gọi là Hạ sơn nhập thủy. Lần này ngâm lâu hơn, khoảng 30 giây, rồi mới rót ra chén và bắt đầu dùng trà.
Mời trà

Người pha trà đã cẩn trọng, chăm chút như vậy, thì người uống trà cũng phải tuân theo ít nhiều lễ nghi tương xứng.

Dùng ba ngón tay để đỡ chén trà gọi là Tam long giá ngọc. Đưa chén trà chuyển động sang hai bên trái – phải, mắt nhìn mầu sắc, mũi ngửi hương, cái đó gọi là Du sơn lâm thủy. Uống trà thành từng ngụm nhỏ để cảm nhận hương vị tan dần trong vòm miệng, trôi xuống họng mang theo cảm giác khoan khái, từ đắng, chát chuyển sang ngọt dần. Ấy là cái thú của người uống trà, là tình cảm giữa bạn hữu, láng giềng và sự hòa hợp, gắn bó với những người xung quanh.

Thưởng trà tùy từng thời điểm, từng hoàn cảnh mà mang những ý nghĩa khác nhau: Thưởng trà đầu xuân là lúc những người thân trong gia đình mừng tuổi, chúc Tết lẫn nhau trong bầu không khí đầm ấm, sum họ; Thưởng trà của các bậc cao niên, có tuổi, của giới văn nghệ sĩ hay bao gồm tiết mục bình thơ, ngắm hoa nở, luận đàm về những vấn đề của cuộc sống; Thưởng trà với bạn bè là lúc để nói chuyện vui vẻ, cười đùa; Đối ẩm để tâm sự những điều kín đáo với người tâm giao; Độc ẩm để tìm vào tĩnh lặng, suy nghĩ về bản thân mình…
Trà đạo Việt

Thưởng trà ngũ hương thì người ta dùng một loại khay đặc biệt, trên mặt thửa 5 chỗ trũng, để vào đó những loại hoa dễ bắt hương nhất như: sen, nhài, ngâu, sói, cúc rồi úp chén lên. Bắc lên bếp hơ nóng cho hương quyện vào lòng chén, pha trà mạn ngon rồi rót vào chén. Người uống trà nhận chén và qua cảm nhận mà đoán ra trong đó là mùi hương của hoa gì. Chỉ có 5 người trong mỗi buổi tiệc trà như vậy, thay nhau hoán đổi để cùng thưởng thức được hết các mùi vị của hoa và trà. Đó là một nét văn hóa tao nhã, độc đáo, riêng biệt của người Việt Nam.

——————-

Lời kết

Trà Việt ý nghĩa là như vậy đấy, vừa tinh tế mà cũng vừa giản đơn. Ai cũng có thể uống trà, từ bình dân cho đến bậc vua chúa; từ nông thôn cho đến thành thị; từ người nghèo cho đến người giàu… Qua một ấm chè với những chiếc chén nhỏ, chứa đựng ở đó sự hòa hợp, bao dung, lễ nghi, tấm lòng của chủ và khách. Đó là một thứ công phu. Công phu của sự hòa thuận giữa con người với nhau.
Hà Nội, tháng 04 năm 2010.
– Flame,

---------
Quyển 1: Trà Trung Hoa
Quyển sau: Trà Nhật Bản  

0 nhận xét: